Giới thiệu Khái quát chung về di tích lịch sử văn hóa Đền Đươi xã Yết Kiêu, thành phố Hải Phòng
Giới thiệu Khái quát chung về di tích lịch sử văn hóa Đền Đươi xã Yết Kiêu, thành phố Hải Phòng
1.1. Tên gọi
Đền Đươi thuộc thôn Quỳnh Huê, xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. “Đươi” vốn là tên gọi theo địa danh cổ của làng Cẩm Đái (Đới) có nghĩa là cái đai gấm được vua ban. Ngoài ra, đền còn có tên chữ: “Quỳnh Huê từ” và tên gọi theo vị thần được thờ là đền Hoàng Thái hậu nhà Lý.
1.2. Loại hình di tích
Đền - là công trình tín ngưỡng có lịch sử xuất hiện từ rất sớm làm nơi thờ thần linh và các vị anh hùng. Chức năng chính của đền là thờ cúng. Trong ngày giỗ thành hoàng làng, dân chúng thường làm lễ rước thần từ đền tới Đình.
Đền Đươi là ngôi đền thờ danh nhân được xây dựng để tưởng nhớ công ơn của Nguyên Phi Ỷ Lan với dân làng. Với những giá trị về mặt lịch sử kiến trúc và mỹ thuật đền Đươi đã được xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo quyết định số 97/QĐ ngày 21/01/1992 - Là một trong những di tích trọng điểm của tỉnh Hải Dương.
1.3.Vị trí địa lý
Trước đây, đền Đươi thuộc địa phận hai xã Cẩm Đới và Cẩm Cầu (năm 2019 sáp nhập 2 thôn lấy tên là thôn Quỳnh Huê) huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng. Đến đời Tây Sơn thì “ huyện Gia Phúc đổi tên thành Gia Lộc, năm Minh Mệnh thứ 3 đổi phủ Hạ Hồng làm phủ Ninh Giang, vẫn thống hạt như cũ. Năm Tự Đức thứ 5(1852), bỏ phân phủ, lại đặt tri huyện. Nay lãnh 9 tổng 85 xã thôn.”. Vào đầu thế kỷ 20 theo Ngô Vi Liễn thôn Cẩm Đới (Cẩm Đái) lúc đó có 765 dân là 1 trong 8 xã của tổng Bao Trung, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Lịch sử của địa phương ghi lại, vào năm 1946 hai thôn Cẩm Cầu và Cẩm Đới thuộc về xã Quỳnh Huê. Năm 1992 đổi thành xã Thống Nhất gồm có 6 thôn: Cẩm Cầu, Cẩm Đới, Ty, Khay, Trung, và thôn Vô Lượng thuộc huyện Tứ Lộc, tỉnh Hải Hưng. Sau này, huyện Tứ Lộc tách thành hai huyện Tứ Kỳ và Gia Lộc thì đền Đươi nằm trên đất thôn Cẩm Đới, xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc.
Đền Đươi là một ngôi đền cổ được xây dựng từ thời nhà Lý thế kỷ thứ XI và được trùng tu nhiều lần vào thời Hậu Lê thế kỷ XVII là một trong những “ danh lam cổ tự”, Đền đã được Bộ văn Hóa thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1992, Đền thờ Nguyên Phi Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan Thánh Mẫu.
1.4. Kiến trúc của Đền Đươi
Ngôi đền hiện nay có bố cục hình chữ quốc, được trùng tu cuối thế kỷ XVII. Hậu cung có khám thờ tượng nguyên phi Ỷ Lan, tư thế ngồi, cao 60 cm, nét mặt phúc hậu. Đền còn giữ 4 bộ kiệu, 1 long đình, 4 ngai thờ, 1 bộ bát bửu, 2 câu đối, 1 bát hương đồng, 2 nghê đá thế kỷ XVII. Khi khai quật khảo cổ học, tại đây còn phát hiện một số gạch hoa thời Lý. Cạnh đền là chùa Bảo Đới.
+ Hình ảnh kiến trúc Đền Đươi thời nhà Lý

Toà tiền tế gồm 3 gian, 2 dĩ dài 17 m, rộng 8,1m, có kiến trúc kiểu chữ nhất, với 4 vì kèo chính và 2 dãy cột quân của 2 gian, là một công trình thời Hậu Lê khá tiêu biểu với hệ thống cột thấp và các bức chạm tinh xảo. Mỗi vì kèo chính đều có bảy tiền, bảy hậu, cột quân, xà nách, các con thuận một khoảng, hai khoảng, ba khoảng. Các cột cái thấp, đường kính khá lớn khoảng 40 cm. Các câu đầu trụ, các con vành, đấu nóc đều được chế tác đẹp, chắc khoẻ, mang tính nghệ thuật cao. Tại các vì kèo gian trung tâm có một số bức chạm "long quần" nghệ thuật. Tại các góc đao dĩ, hệ thống kẻ góc, xà đùi, chắn mái, các lá đề ở đầu đao, hệ thống xà hạ, xà thượng, tầu lá mái, hoành, rui bằng gỗ tứ thiết có chất lượng tốt. Móng xây bằng gạch Bát Tràng, tường xây bằng gạch chỉ mỏng, mái lợp ngói mũi, 4 đầu đao có phù điêu rồng chầu, phượng mớm, bờ chảy có đắp những con sô, con trối, trên bờ nóc có phù điêu "lưỡng long chầu nguyệt" khá sinh động.
Qua khoảng sân hẹp là toà trung từ dài 17 m, rộng 5,1 m, tại đây có 4 vì kèo kết cấu kiểu con chồng đấu sen, tạo thành 5 gian rộng, 2 gian đầu hồi không có vì kèo chỉ có hệ thống xà và hoành gác tường. Các chi tiết mộc của toà trung từ có độ lớn trung bình, kỹ thuật chế tác chủ yếu là bào trơn, đóng bén, các chi tiết được lắp khít vào nhau bởi hệ thống mang mộng bén sát. Móng và tường xây bằng gạch chỉ chắc chắn theo kiểu thu hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi.
Nối liền gian thứ nhất và gian thứ 5 là 2 dãy giải vũ phía bắc và phía nam, mỗi dãy dài 6,4 m, rộng 1,65 m, kiến trúc của 2 dãy giải vũ khá đơn giản là kèo cầu chúa báng, cột thấp, mái lợp ngói mũi, hai dãy giải vũ nối hai toà nhà tạo thành một không gian khép kín, khoảng sân giữa được đặt những chậu cảnh khá đẹp.
Toà hậu cung đền có 3 gian, trong đó có một gian cung cấm, mặt trước gian cung cấm có bộ ván bưng chạm "lưỡng long chầu nguyệt" khá sinh động. Kiến trúc của toà nhà này gồm 2 vì kèo kết cấu kiểu chồng rường, kỹ thuật chủ yếu là bào trơn, đóng bén, không có chạm khắc hoa. Móng, tường xây thấp bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi. Trong khuôn viên đền còn chùa nhỏ có tên là Quỳnh Hoa, bị phá huỷ trong chiến tranh nhưng nay đã được khôi phục lại, kiến trúc khá đơn giản.
+ Hình ảnh Đền Đươi hiện tại:

3. Lễ hội Đền Đươi
Tưởng nhớ Vương mẫu Ỷ Lan, hàng năm cứ đến ngày 12 tháng 2 âm lịch là ngày sinh; và ngày 25 tháng 7 là ngày mất của bà, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội để nhắc lại công lao, sự nghiệp của Vương mẫu Ỷ Lan cho mọi người ghi nhớ và học tập. Tượng của bà được đưa lên Kiệu rước đi quanh xã để mọi người chiêm ngưỡng và ghi nhớ sâu sắc người đã có công với dân tộc.
Lễ hội Đền Đươi được tổ chức hai lần trong năm vào các ngày 1 tháng 2 và 25 tháng 7 âm lịch. Trong ngày hội, có rước tượng nguyên phi Ỷ Lan để nhân dân trong và ngoài xã cùng chiêm bái các trò vui dân gian.
Năm 2012, lễ hội Đền Đươi được đưa vào danh sách lễ hội điểm, được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khảo sát, điền dã xây dựng kịch bản chi tiết tổ chức lễ hội và phục dựng, bảo tồn những hoạt động hội đã bị mai một, được hỗ trợ mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động lễ hội. Đây là một việc làm mang ý nghĩa lâu dài nhằm gìn giữ những giá trị di sản trong lễ hội của địa phương, là dịp để nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội. Lễ hội Đền Đươi diễn ra trong 3 ngày từ ngày 22/7 - 24/7 Âm lịch với các nghi lễ cơ bản như: Lễ cáo yết, Lễ rước, Lễ khai hội, Lễ tế… Bên cạnh đó là các hoạt động văn nghệ, thể thao thu hút sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân trong vùng như: cờ tướng, bóng đá thanh niên, liên hoan văn nghệ và các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt vịt, đập niêu, đi cầu kiều,… Lễ hội Đền Đươi hàng năm có ý nghĩa to lớn trong việc tăng cường tình cảm đoàn kết gắn bó, xây dựng nếp sống thuần hậu trong nhân dân địa phương, ổn định trật tự, kỷ cương góp phần không nhỏ vào sự thúc đẩy kinh tế - Văn hóa - xã hội của địa phương phát triển bền vững.
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương, di tích lịch sử văn hóa Đền Đươi xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc đã được trùng tu tôn tạo và khang trang hơn để đón du khách về dự lễ hội. Lễ hội đã trở thành một trong những nét đẹp văn hóa và là niềm tự hào của người Thống Nhất.
Một số hình ảnh của lễ hội Đền Đươi:






